Cập nhật:
Cập nhật 09/8/2023

Ngày 09/7/1994 Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính có Quyết định số 413 QĐ/TCCB thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Địa chính trên cơ sở kết hợp Liên hiệp Khoa học sản xuất Trắc địa và Bản đồ và Đội bay chụp của Trung tâm Tư liệu Đo đạc và Bản đồ.

Theo Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 24/10/1996 của Thủ tướng Chính phủ, Viện nghiên cứu Địa chính thuộc Tổng cục Địa chính là một trong 43 Viện Nghiên cứu Khoa học của Nhà nước. Viện Khoa học và Công nghệ Địa chính được đổi tên thành Viện Nghiên cứu Địa chính theo Quyết định số 520/QĐ/TCCB ngày 11/9/1997 của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính.

Sau khi thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (05/8/2002), Viện Nghiên cứu Địa chính trực thuộc Bộ và các chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện được thực hiện theo các Quyết định số 11/2004/QĐ-BTNMT ngày 16/6/2004.

Theo Quyết định số 942/QĐ-BTNMT ngày 17/7/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện đã sắp xếp và tổ chức lại có 03 phòng nghiên cứu – thí nghiệm, 05 trung tâm nghiên cứu – triển khai, Phân viện Nghiên cứu Địa chính phía Nam. Ngoài ra tạp chí Địa chính được chuyển về Viện và trở thành tạp chí khoa học của ngành.

Theo Quyết định số 1238/QĐ-TTg Ngày 18/9/2006 của Thủ tướng Chính Phủ, Viện được đổi tên từ Viện nghiên cứu Địa chính thành Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ.

Theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và Quyết định số 08/2007/QĐ-BKHCN ngày 06/4/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành “Quy định về tiêu chí xác định tổ chức khoa học và công nghệ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách phục vụ quản lý nhà nước”, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ được sắp xếp là Viện nghiên cứu cơ bản trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường theo Quyết định số 1140/QĐ-BTNMT ngày 30/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04/3/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vu, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 767/QĐ-TTg ngày 23/6/2008 về các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, mà theo đó Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ là đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ được quy định trong Quyết định số 2476/QĐ-BTNMT ngày 26/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, theo đó ngoài các chức năng nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực Trắc địa, Bản đồ và Địa chính, Viện còn có chức năng đào tạo Tiến sĩ.

Ngày 07 tháng 8 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 936/QĐ-TTg ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, theo đó có Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ.

Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ hoạt động khoa học và công nghệ theo Giấy phép số A-775 ngày 10/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đào tạo tiến sĩ ngành Kỹ thuật Trắc Địa – Bản đồ theo Quyết định số 3080/QĐ-BTNMT ngày 28/07/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04/03/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vu, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 74/QĐ-TTg ngày 13/01/2014 về các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, theo đó Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ là đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ được quy định trong Quyết định số 3482/QĐ-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trong quá trình hình thành và phát triển, Viện đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của ngành Đo đạc – Bản đồ và Quản lý đất đai. Một số thành tích nổi bật trong hoạt động khoa học và công nghệ của Viện:

Một số thành tựu nghiên cứu khoa học
– Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám và phương pháp trắc lượng hình thái trong xây dựng bộ tiêu chí giám sát quá trình suy thoái chất lượng rừng ngập mặn phục vụ công tác bảo tồn, phục hồi rừng ngập mặn và sử dụng hợp lý đất ngập nước ven biển thử nghiệm tại tỉnh quảng ninh và cà mau;

– Nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng mô hình quản lý biến động tài nguyên, hoàn thiện công cụ quản lý và nâng cao năng lực giám sát biến động sử dụng đất;

– Nghiên cứu đánh giá các mặt chuẩn mực nước biển (mặt “0” độ sâu, trung bình và cao nhất) theo các phương pháp trắc địa, hải văn và kiến tạo hiện đại phục vụ xây dựng các công trình và quy hoạch đới bờ Việt Nam trong xu thế biến đổi khí hậu;

– Nghiên cứu phương pháp kết hợp kỹ thuật phân tích kiến trúc cảnh quan và công nghệ viễn thám phục vụ cho công tác đánh giá hình thái của rừng ở khu vực Tây Bắc của nước ta;

– Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám và các công cụ phân tích cảnh quan thành lập bản đồ phân vùng ưu tiên bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước (Thử nghiệm tại Đồng Tháp Mười);

– Nghiên cứu xác định độ chính xác trong đo vẽ bản đồ địa chính các loại đất để hoàn thiện, bổ xung một số quy định trong thành lập bản đồ địa chính ở nước ta;

– Nghiên cứu cơ sở khoa học của việc hoàn thiện Hệ độ cao gắn liền với việc xây dựng Hệ tọa độ động lực Quốc gia;

– Nghiên cứu đánh giá hiện trạng sử dụng và xác định phương hướng đầu tư phát triển công nghệ trong lĩnh vực Đo đạc và Bản đồ ở nước ta;

– Năm 2012 Viện chủ trì và phối hợp với các đơn vị thuộc lĩnh vực đo đạc và bản đồ hoàn thành việc xây dựng Chiến lược Khoa học và Công nghệ của lĩnh vực Đo đạc và bản đồ đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020;

– Nghiên cứu hoàn thiện cấu trúc dữ liệu cho cơ sở dữ liệu nền địa lý gắn với các giải pháp tổng quát hóa dữ liệu tự động;

– Nghiên cứu cơ sở khoa học hình thành địa chính biển Việt Nam;

– Nghiên cứu hoàn thiện phương pháp xử lý toán học mạng lưới độ cao hạng I, II quốc gia trong hệ độ cao hiện đại ở Việt Nam;

– Nghiên cứu xây dựng bản đồ vùng giá trị đất khu vực đất phi nông nghiệp ở đô thị bằng mô hình thống kê và công nghệ GIS;

– Nghiên cứu xây dựng giải pháp đo GPS theo công nghệ trạm tham chiếu ảo (VRS) ở Việt Nam phục vụ việc đa dạng hóa các ứng dụng trạm CORS;

– Nghiên cứu đề xuất các yêu cầu kỹ thuật trong chỉnh lý bản đồ địa chính gắn với giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính;

– Nghiên cứu tích hợp thiết bị IMU và GNSS thu nhận dữ liệu sử dụng công nghệ trạm tham chiếu ảo (VRS) trên thiết bị bay không ngưới lái (UAV) phục vụ công tác thành lập bản đồ địa hình tỉ lệ lớn;

– Nghiên cứu xây dựng hệ độ cao hiện đại dựa trên mặt Geoid cục bộ gắn liền với việc xây dựng Hệ tọa độ động lực quốc gia. Đề xuất phương pháp và xác định được thế trọng trường W0 của mặt Geoid cục bộ Hòn Dấu;

– Nghiên cứu phát triển phần mềm tổng quát hoá tự động bản đồ địa hình tỷ lệ 1/25.000 từ bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000;

– Nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng hạ tầng kỹ thuật thông tin địa lý phục vụ hợp tác giải quyết một số vấn đề cơ bản về Khoa học Trái đất trên lãnh thổ Việt Nam, khu vực và toàn cầu;

– Nghiên cứu đánh giá hiện trạng sử dụng và xác định phương hướng đầu tư phát triển công nghệ trong lĩnh vực Đo đạc và Bản đồ ở nước ta;

– Nghiên cứu phương pháp và thuật toán xử lý các dữ liệu đo GNSS độ chính xác cao trên khoảng cách lớn trong ITRF. Lập phần mềm GUST (Gps Using Sequence Technology) xử lý các dữ liệu đo GNSS trên khoảng cách lớn (giai đoạn 2006 – 2010);

– Nghiên cứu đề xuất phương pháp xác định sự thay đổi của mặt biển trung bình nhờ đo trọng lực tuyệt đối trên các đảo;

– Nghiên cứu phương pháp đánh giá độ chính xác đo đạc các thửa đất dựa trên các giá trị đất;

– Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thành lập bản đồ (địa hình và địa chính) từ ảnh chụp bằng máy chụp ảnh phổ thông lắp trên máy bay không người lái M100-CT điều khiển bằng sóng Radio;

– Nghiên cứu các phương pháp xử lý các dữ liệu đo GPS và xác định các vectơ chuyển dịch của vỏ Trái đất (chuyển dịch không gian, chuyển dịch ngang và chuyển dịch đứng) nhờ phương pháp bình sai mạng lưới GNSS địa động lực tự do trong ITRF. Nghiên cứu chuyển dịch đới đứt gẫy Lai Châu – Điện Biên (giai đoạn 2002 – 2004) và đới đứt gẫy sông Mã bằng công nghệ GPS (giai đoạn 2006-2008);

– Nghiên cứu phương pháp, nội dung quy hoạch sử dụng đất trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng phương pháp và thuật toán quy hoạch sử dụng đất tự động. Lập phần mềm quy hoạch sử dụng đất LB (Land Balance) (2008);

– Nghiên cứu phương pháp xác định mật độ điện tử ở tầng điện ly và tổng lượng hơi nước ở tầng đối lưu nhờ xử lý dữ liệu đo GPS độ chính xác cao phục vụ công tác dự báo khí tượng (giai đoạn 2006 – 2008);

– Thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng CSDL đất đai cấp tỉnh” năm 2005 và xây dựng phần mềm VILIS phục vụ thành lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính cung cấp cho các Sở Tài nguyên và Môi trường;

– Nghiên cứu và đề xuất phương pháp xây dựng hệ tọa độ động quốc gia (hệ tọa độ không gian quốc gia) dựa trên công nghệ GNSS và Hệ tọa độ Quy chiếu Quả đất Quốc tế (ITRF);

– Đặc biệt Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ do PGS.TSKH Hà Minh Hòa làm chủ biên đã xuất bản 06 quyển sách khoa học và kỹ thuật phục vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo tiến sĩ (2013-2014)…

2. Một số thành tựu nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại vào thực tiễn

– Khảo sát đo đạc, thành lập các loại bản đồ phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững vùng đất ngập nước thuộc các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, TP. Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An và TP. Hồ Chí Minh.

– Xây dựng mạng lưới trọng lực hạng II quốc gia.

– Khảo sát đo đạc, thành lập các loại bản đồ phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững vùng đất ngập nước khu vực Tứ giác Long Xuyên.

– Xây dựng điểm trọng lực gốc, điểm trọng lực I, II, III và trọng lực chi tiết, xây dựng mạng lưới độ cao hạng I bổ sung và đo lưới GPS thủy chuẩn quốc gia Campuchia.

– Xác định địa giới hành chính khép kín đường địa giới với đường biên giới quốc gia, giải quyết mâu thuẫn đường địa giới hành chính giữa thực tế quản lý và các tài liệu.

– Thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý ở tỷ lệ 1: 10.000 gắn với mô hình số độ cao phủ trùm khu vực tỉnh Quảng Ngãi.

– Thành lập CSDL nền thông tin địa lý ở tỷ lệ 1/10.000 gắn với mô hình số độ cao khu vực tỉnh Thái Nguyên – Phú Thọ.

– Xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin địa hình – thủy văn cơ bản phục vụ phòng chống lũ lụt và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long.

– Thành lập Bình đồ ảnh Quickbird và các lớp thông tin địa hình địa lý cơ bản khu vực Bắc Kiên Giang – An Giang – Đồng Tháp – Cần Thơ – Vĩnh Long – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng.

– Thành lập bình đổ ảnh số và các lớp thông tin địa hình địa lý cơ bản khu vực Đồng Tháp – Tiền Giang – Bến Tre.

– Áp dụng công nghệ viễn thám trong công tác quản lý vi phạm, sạt lở bờ sông, bờ biển phục vụ quản lý, duy tu đê điều thuộc kế hoạch duy tu và bảo dưỡng đê điều năm 2016.

– Đo dám sát, định vị, dẫn đường giàn khoan và quyét sonar (năm 2005 – 2018)

– Dò tìm công trình ngầm xả thải tại Khu kinh tế Fomusa Hà tĩnh.

– Điều tra, đánh giá địa động lực hiện đại để hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp thích ứng ở Đồng bằng Sông Cửu long.

– Định mức kinh tế kỹ thuật đo trọng lực quốc gia.

– Khảo sát đo đạc, thành lập các loại bản đồ phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững vùng đất ngập nước khu vực Tứ giác long Xuyên.

– Duy trì quan trắc thường xuyên mạng lưới địa động lực trên lãnh thổ Việt Nam.

– Xây dựng mạng lưới trọng lực hạng II quốc gia.

– Khảo sát đo đạc, thành lập các loại bản đồ phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững vùng đất ngập nước thuộc các tỉnh Bạc liệu, Sóc Trăng, tP. Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh long, Bến tre, Tiền Giang, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh.

– Triển khai dự án đo trọng lực toàn bộ các khu vực rừng núi Việt Nam bằng máy trọng lực hàng không TAGS AIR III Gravity Meter giai đoạn 2015 – 2019.

– Triển khai dự án đo trọng lực toàn bộ khu vực biển Đông bằng máy trọng lực hàng không TAGS AIR III Gravity Meter giai đoạn 2015 – 2019.

– Triển khai xây dựng CSDL đất ngập nước vùng bán đảo Cà Mau giai đoạn 2015 – 2018 phục vụ việc quản lý các vùng đất ngập nước theo Công ước Ramsar….

– Triển khai xây dựng mạng lưới trắc địa địa động lực miền Bắc giai đoạn 2012 – 2015 bao gồm 78 điểm GNSS phủ trùm 11 đứt gãy Lai Châu – Điện Biên, Sông Mã, Sơn La, Sông Đà, Mường La – Bắc Yên, Phong Thổ – Than Uyên, Sông Hồng, Sông Chảy, Sông Lô, Cao Bằng – Tiên Yên và Đông Triều – Hạ Long phục vụ dự báo tai biến thiên nhiên.

– Triển khai xây dựng mạng lưới trắc địa địa động lực thuộc miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ Việt Nam giai đoạn 2014 – 2018 bao gồm 78 điểm GNSS phủ trùm 13 đứt gãy.

– Triển khai xây dựng hệ thống các điểm trọng lực tuyệt đối bằng máy trọng lực tuyệt đối FG5-X trên 17 đảo dọc bờ biển Việt Nam giai đoạn 2014 – 2018 phục vụ việc giám sát sự thay đổi của mặt biển trung bình dưới tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.

– Bay đo trọng lực thử nghiệm thành công tại khu vực Thanh Ba – Phú Thọ vào ngày 31/3/2014 bằng máy trọng lực hàng không TAGS AIR III Gravity Meter – mở đầu giai đoạn đo đạc trọng lực chi tiết bằng máy bay.

– Thực hiện dự án “Xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống trọng lực quốc gia” với việc xây dựng 11 điểm trọng lực cơ sở và 29 điểm trọng lực hạng I phủ trùm cả nước bằng phương pháp đo trọng lực tuyệt đối. Xây dựng được 02 đường đáy trọng lực Vĩnh Yên – Tam Đảo và Tp. Hồ Chí Minh – Vũng Tàu bằng nguồn lực cán bộ và trang thiết bị của Viện. Lần đầu tiên xây dựng được CSDL trọng lực vùng đồng bằng và trung du Việt Nam với các ô chuẩn 3’x3’ bao gồm 67.790 điểm trọng lực. Việc hoàn thành Dự án được Bộ tài nguyên và Môi trường xếp vào một trong 10 sự kiện nổi bật của Bộ trong năm 2012 và được Tạp chí Thương mại và Đầu tư tặng cúp vàng và xếp vào TOP100 “Sản phẩm chất lượng cao” năm 2012.

– Lần đầu tiên xây dựng thành công CSDL đất ngập nước vùng Đồng Tháp Mười phục vụ việc quản lý vùng đất ngập nước theo Công ước Ramsar (2012). Sản phẩm của Dự án được Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam tặng cúp vàng “Sản phẩm thân thiện với môi trường” năm 2013.

– Nghiên cứu đề xuất cấu trúc và xây dựng CSDL Hồ sơ địa chính cấp tỉnh, hệ thống thông tin trắc địa cấp tỉnh (với hệ thống phần mềm LOGEOSYS (LOcal GEOdetic SYStem) trong khuôn khổ Chương trình NCKH cấp Tổng cục địa chính giai đoạn 2000 – 2002 “Nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ công tác địa chính cấp tỉnh, thực nghiệm tại tỉnh Hà Nam”.

– Bay chụp ảnh khu vực Hà Nam Ninh – Thái Bình bằng hệ thống RM-KATOP có dẫn đường bằng công nghệ GPS trong những năm 1998-1999, đây là công việc mở đầu cho việc bay chụp thành lập bản đồ bằng công nghệ ảnh số trong Tổng cục Địa chính (trước đây) và Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày nay; Đề xuất Quy trình thành lập bản đồ địa chính bằng công nghệ ảnh số ở khu vực miền núi.

– Lần đầu tiên xây dựng được cơ sở dữ liệu và tổng hợp phân tích số liệu về đất chưa sử dụng cả nước theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 27/01/2000 của Thủ tướng Chính phủ về dự án “Điều tra, kiểm kê đất chưa sử dụng cả nước”.

– Đo nối thủy chuẩn hạng II qua lãnh thổ CHDCND Lào giai đoạn 1999 – 2000. Xây dựng lưới thuỷ chuẩn hạng I, II và mạng lưới GPS tại CHDCND Lào.

– Chủ trì xây dựng mạng lưới GPS cấp “0” bao phủ toàn quốc năm 1995.

Ngoài ra, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã chủ trì xây dựng nhiều văn bản quy phạm, định mức kinh tế – kỹ thuật của ngành như:

– Quy phạm thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/200; 1/500; 1/100; 1/2000; 1/5000 và 1/10 000 theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BTNMT ngày 10/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

– Bộ định mức kinh tế – kỹ thuật đo đạc địa chính, đăng ký quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được ban hành theo Quyết định số 10/2008/QĐ-BTNMT ngày 9/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

– Quy phạm xây dựng lưới trọng lực quốc gia được ban hành theo Thông tư số 01/TT-BTNMT ngày 14/01/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

– Định mức kinh tế – kỹ thuật Xây dựng lưới trọng lực quốc gia được ban hành theo Thông tư số 09/2010/TT-BTNMT ngày 01/7/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

– Quy định về đo trọng lực chi tiết đã được ban hành trong Thông tư số 08/2012/TT-BTNMT ngày 08/08/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

– Định mức kinh tế kỹ thuật đo trọng lực chi tiết được ban hành theo Thông tư số 24/TT-BTNMT ngày 03/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

– Thông tư số 47/2016/TT-BTNMT ngày 28/12/2016 Ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật lưới trọng lực quốc gia;

– Thông tư số 11/ 2020/TT-BTNMT ngày 30/9/2020 Ban hành Quy định kỹ thuật xây dựng mạng lưới trọng lực quốc gia;

– Thông tư số 17/2019/TT-BTNMT ngày 30/9/2019 Ban hành Quy định kỹ thuật thành lập mô hình số độ cao bằng công nghệ quét LIDAR mặt đất trên trạm cố định.

Việc phổ biến các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ nói riêng, ngành Tài nguyên và Môi trường nói chung được Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ thực hiện trên nhiều phương tiện, bằng nhiều hình thức, trong đó chủ yếu là thông qua tạp chí Khoa học Đo đạc và Bản đồ, Thư viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ và website của Viện. Cụ thể như sau:

+ Tạp chí Khoa học Đo đạc và Bản đồ trực thuộc Viện là tạp chí chuyên ngành duy nhất của lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Mỗi năm, tạp chí Khoa học Đo đạc và Bản đồ xuất bản 04 số, trong đó phổ biến các thành tựu nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển công nghệ của lĩnh vực tới các nhà khoa học, nhà quản lý, bạn đọc. Chất lượng các bài đăng trong tạp chí được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đánh giá cao và tính điểm công trình cho mỗi bài là 0,5 điểm.

+ Thư viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ là một thành viên của thư viện điện tử ngành Tài nguyên và Môi trường với 3.256 đầu sách (6.839 cuốn), 3.283 đầu tạp chí (6.972 cuốn)… và nhiều tài liệu khác về lĩnh vực đo đạc và bản đồ, thư viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ là kênh phổ biến kiến thức nghiên cứu khoa học và công nghệ rất hiệu quả và hữu ích đối với công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục, đào tạo trong và ngoài Viện. Hàng năm, thư viện thường xuyên cập nhật các đầu sách mới, các kết quả nghiên cứu khoa học mới, góp phần phổ biến những kiến thức mới tới bạn đọc.

+ Website www.vigac.vn: Ngoài hai hình thức trên, kênh thông tin nhanh nhất, kịp thời nhất trong thời đại ngày nay là các trang điện tử, website của Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ thường xuyên cập nhật các hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực, các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, dự án của Viện cũng như các chính sách pháp luật của Nhà nước.

Hàng năm, Viện thường tổ chức và tham gia nhiều hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế để giới thiệu các thành quả nghiên cứu khoa học và trao đổi thông tin, cập nhật các vấn đề mới trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

– Công tác đào tạo tiến sĩ của Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã thực hiện được 9 năm, bắt đầu từ 2012 tuyển sinh liên tục theo 6 khóa học với số lượng 11 nghiên cứu sinh đang học tập nghiên cứu tại viện đến từ các cơ quan trong và ngoài Bộ (tính đến thời điểm hiện nay đã có 06 nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp)

3. Các giải thưởng về khoa học và công nghệ

– Giải thưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Atlas Quốc gia.

– Việc hoàn thành dự án “Xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống trọng lực quốc gia” đã được Bộ tài nguyên và Môi trường xếp vào một trong 10 sự kiện nổi bật của Bộ trong năm 2012.

– Sản phẩm của dự án “Khảo sát, đo đạc, thành lập các loại bản đồ phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười” được Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam tặng cúp vàng “Sản phẩm thân thiện với môi trường” năm 2013.

– Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng mô hình quản lý biến động tài nguyên; hoàn thiện công cụ quản lý và nâng cao năng lực giám sát biến động sử dụng đất” đạt giải xuất sắc tại Hội nghị Tổng kết đánh giá tình hình triển khai thực hiện chương trình KH và CN ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý TN và MT giai đoạn 2016 – 2020.

– Bộ sách khoa học – kỹ thuật phục vụ nghiên cứu khoa học và công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực ĐĐ và BĐ ở Việt Nam đạt giải A, giải thưởng Khoa học và công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường lần thứ nhất…

Với những đóng góp và thành tích đã đạt được Viện đã nhận được những phần thưởng của Đảng và Nhà nước trao tặng như: Huân chương Lao động hạng Nhì (2014); Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước (2009); Cờ thi đua của Chính phủ (2012, 2015); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2005, 2018); Cờ thi đua của Bộ Tài nguyên và Môi trường (2012, 2014); Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường các năm 2003, 2006, 2007, 2008, 2009, 2010, 2012, 2013, 2016, 2018, 2019, 2020 và nhiều bằng khen khác của Nhà nước trao tặng cho tập thể và cá nhân…

 

 

(Phòng Khoa học, ĐT, HTQT&TC)